Anh hùng trong lịch sử vũ trụ Xô Viết - Yuri Gagarin. (nasa) |
45 năm trước đây, ngày 12/4/1961, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, nhà du hành vũ trụ Xô Viết Yuri Gagarin thực hiện chuyến bay lịch sử vào khoảng không vũ trụ kéo dài 108 phút. Nhưng ít ai biết rằng, để thực hiện chiến công tuyệt vời ấy, Y. Gagarin phải sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro, kể cả sinh mệnh của mình.
Do quy trình kiểm duyệt gắt gao các thông tin tuyệt mật của chương trình vũ trụ Nga mà trước đây không một thông tin bất lợi nào về chuyến bay này bị lọt ra ngoài. Mãi cho đến gần đây, các thông tin ấy mới được đề cập trên một số báo, đài Nga.
Thảm họa kinh hoàng
Thực ra Y.Gagarin cần phải thực hiện chuyến bay vào mùa đông lạnh giá năm 1960, chứ không phải vào những ngày xuân tháng tư năm 1961. Nghị quyết đề ngày 11/10/1960 của Ban Chấp hành trung ương Đảng và Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ghi rõ, cần phải phóng tàu Vostok vào tháng 12 năm này.
Khi mọi việc đang diễn tiến theo kế hoạch thì thảm họa đã xảy ra: Ngày 24/12/1960, tại sân bay vũ trụ Baikonur, một tên lửa quân sự chứa đầy nhiên liệu đã nổ tung ngay trên giàn phóng khi vừa được lệnh xuất phát, làm chết tại chỗ 268 người. Trong số những nạn nhân có nguyên soái Nedelyn, và hầu hết mọi người đều bị thiêu cháy. Ủy ban điều tra quốc gia vào cuộc để truy tìm nguyên nhân thảm họa này và kế hoạch đưa người lên khoảng không vũ trụ đã bị lùi lại.
Theo cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu ý kiến xã hội toàn Nga - VSIOM, có đến 67% người Nga khi được hỏi cho ý kiến rằng, nước Nga cần phải làm tất cả để giữ vững vị trí cường quốc vũ trụ của mình. Trong khi đó, 22% có ý kiến ngược lại: Không nên đeo đuổi mục tiêu này vì nó làm phương hại nước Nga hiện nay. 50% cho rằng, nước Nga hiện vẫn là cường quốc vũ trụ trong khi 41% đánh giá Nga đã đánh mất vị thế của mình trong lĩnh vực này. 52% nhận định Nga chinh phục vũ trụ để phát triển khoa học công nghệ cao, còn 44% khác lại nghĩ đó là để phục vụ mục đích quốc phòng. |
Tàu vũ trụ đầu tiên không trở về trái đất
Sự mạo hiểm không chỉ có với chuyến bay đầu tiên mà liên tục xuất hiện trong quá trình chuẩn bị. Một trong những nguyên nhân chính là cả tên lửa đẩy lẫn tàu vũ trụ chỉ đảm bảo được 50% thành công. Điều này được chứng minh khi trong 6 lần phóng tên lửa thử nghiệm "có người trong khoang lái" thì có đến 3 lần thất bại. Những thông tin này trước đây được giữ bí mật tuyệt đối:
- Ngày 15/5/1960, con tàu đầu tiên được phóng vào vũ trụ nhưng do hệ thống định vị hư hỏng nên nó không thể quay về trái đất. Tàu này tiến vào quỹ đạo cao hơn và từ đó đến nay vẫn tiếp tục bay như vậy.
- Ngày 23/9/1960, tên lửa đẩy nổ ngay khi vừa xuất phát, hai con chó Damka và Krashavka trên khoang tàu bị chết.
- Ngày 1/12/1960, hai con chó Pchelka và Mushka bay vào vũ trụ, nhưng khi thay đổi quỹ đạo để trở về trái đất, do tính toán sai nên con tàu bị bốc cháy hoàn toàn khi lọt vào bầu khí quyển.
Thảm họa không chỉ xảy ra trên vũ trụ mà còn diễn ra trên mặt đất. Vào thời gian tập luyện trong khoang tàu tại trung tâm huấn luyện vũ trụ, ứng viên phi công vũ trụ trẻ nhất - Valentin Bondrachev - đã hy sinh.
Đề xuất Titov thay Gagarin
Vào thời điểm đó, Mỹ cũng đang chuẩn bị đưa người vào vũ trụ, họ không dùng chó để thử nghiệm như Liên Xô mà dùng khỉ. Trên toàn nước Mỹ diễn ra chiến dịch quảng cáo rùm beng rằng, ngày 2/5/1961 họ sẽ phóng tàu có người lên vũ trụ. Tổng công trình sư Sergey Karalov của Liên Xô lúc ấy toan tính không để người Mỹ qua mặt. S. Karalov biết rằng, với độ an toàn là 50/50 thì chưa đảm bảo cho việc đưa người lên vũ trụ, nhưng liên tiếp hai lần phóng thử tàu thành công cuối cùng đã giúp ông mạo hiểm ra quyết định: Lần phóng thứ 7 - tàu Vostok - sẽ đưa người vào vũ trụ. Bằng giá nào Liên Xô cũng phải vượt qua Mỹ trước vài tuần lễ.
Đã có những ý kiến đề nghị để German Titov - người còn độc thân thay thế Y. Gagarin vì anh đã có hai con gái nhỏ. Sở dĩ như vậy vì không ai trong ủy ban y tế dám ký vào văn bản rằng nhà du hành vũ trụ sẽ sống khi trở về trái đất. Thế nhưng S. Karalov kiên quyết chọn lựa ứng viên Y. Gagarin. Ông trực tiếp kiểm tra anh trước chuyến bay và trong suốt quãng đời sau đó, S. Karalov luôn tự hào vì đã không sai lầm khi chọn Y. Gagarin.
Khi chuẩn bị đưa Y. Gagarin vào vũ trụ , Liên Xô soạn thảo kỹ một sơ đồ cứu nạn suốt hành trình bay, ngoại trừ 20 giây đầu tiên. Trong sơ đồ này, công đoạn xuất phát chứa đựng những nguy hiểm không thể lường trước được.
Chính vì vậy mới có phương án nếu có hỏa hoạn thì Gagarin phải nhảy từ tàu xuống đất. Quyết định trong trường hợp này không phải là nhà du hành mà những người chỉ huy bệ phóng và người ấn nút tên lửa.
Do khoảng cách nơi Gagarin ngồi trên tàu đến mặt đất không đủ độ cao để có thể bung dù nên người ta nghĩ ra "hệ thống cứu nạn" khá đơn giản: Bốn thanh niên khỏe mạnh tay cầm tấm lưới sẽ núp ở 4 góc khuất ngay gần giàn phóng con tàu. Trong trường hợp Y.Gagarin nhảy ra thì họ sẽ giăng lưới để đỡ nhà du hành như người ta làm đối với những người nhảy trên lầu cao xuống mỗi khi có hỏa hoạn. May mắn thay là người ta đã không phải sử dụng đến "hệ thống cứu nạn" này.
Ba phương án thông tin của TASS
Không ai dám tin tưởng vào sự thành công chắc chắn của việc phóng Vostok, vì thế Hãng thông tấn quốc gia Liên Xô (TASS) đã chuẩn bị sẵn 3 phương án thông tin với công chúng. Phương án một là chuyến bay thành công tốt đẹp. Phương án hai là con tàu không lên được quỹ đạo vũ trụ và cuối cùng là trường hợp xấu nhất: Nhà du hành vũ trụ tử nạn.
- Do chưa có truyền hình vũ trụ nên trong suốt chuyến bay Bộ chỉ huy con tàu không nhìn được Y. Gagarin mà chỉ nghe được giọng nói của anh. Khối lượng băng từ ghi âm toàn bộ chuyến bay lịch sử này nặng 40 kg. - Theo thăm dò thì đại bộ phận người Nga (85%) cho rằng chuyến bay của Y. Gagarin và các chuyến bay chinh phục vũ trụ sau này là niềm tự hào của cá nhân họ, 12% từ chối trả lời và chỉ có 3% cho rằng nước Nga phải trả giá đắt cho chương trình chạy đua vào vũ trụ này. |
Nếu như trong vũ trụ động cơ hãm của con tàu không hoạt động, thì nó sẽ phải "ở lại" quỹ đạo. Đối với Vostok, trong trường hợp trục trặc như vậy, người ta tính toán như sau: Con tàu sẽ "bám vào" tầng khí quyển trên cùng, ngừng chuyển động và sẽ hạ cánh ở đâu đó trên biển hay trên mặt đất. Nhưng để làm điều này thì cần thời gian từ 7 đến 10 ngày. Thực tế lúc đó Vostok mang theo lượng thức ăn và khí ôxy dự trữ đủ cho 10 ngày.
Tiễn đưa Gagarin trước giờ xuất phát, Tổng công trình sư S. Karalov nói: "Yura, đừng lo lắng. Chúng tôi sẽ tìm ra cậu bất cứ ở điểm nào khi hạ cánh. Toàn bộ lực lượng không quân Liên Xô nếu cần sẽ cất cánh. Chúng ta đã chuẩn bị sẵn các văn bản kêu gọi tất cả các nước trợ giúp tìm kiếm trong trường hợp cậu hạ cánh bên ngoài lãnh thổ Liên Xô".
Còn một mối nguy hiểm khác - là những chấn động tâm lý có thể xảy ra trong khi bay. Để kiểm soát nhà du hành vũ trụ, Bộ chỉ huy yêu cầu Gagarin liên tục nói chuyện với mặt đất trong suốt cuộc hành trình. Và Gagarin đã liên lạc qua sóng radio suốt 108 phút.
Những tình huống ngoài dự tính
Chuyến bay của Gagarin có nhiều tình huống mà bộ chỉ huy hoàn toàn không dự liệu. Nicolay Martiemiankov - người có nhiệm vụ đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc với Gagarin - kể lại: Nhà du hành được đưa lên tàu 2 giờ trước khi xuất phát và ngay từ lúc đó đã có những trục trặc. Bộ phận tự động để đóng mở cửa sập không hoạt động, vì thế trước khi xuất phát vài phút, người ta phải dùng tay để vặn 32 chiếc bù-loong. Sau đó, hệ thống liên lạc không hiểu sao thay vì phải xuất hiện tín hiệu số "5" thì lại là số "3", điều này đồng nghĩa với việc trên tàu có hỏa hoạn. Trước đó, Gagarin lại quên không mở nút kết nối liên lạc!
Khi phóng lên, trong giai đoạn 3 (tách khỏi tên lửa đẩy), con tàu xoay quá nhanh cũng như lúc hạ cánh có lúc nó lộn nhào không theo như tính toán, điều này có thể khiến nhà du hành bị chết vì sốc. Ngoài ra, thời gian tách buồng lái kéo dài có thể khiến con tàu bốc cháy.
Cuối cùng thì con tàu cũng hạ cánh "theo như dự định". Các đội tìm kiếm sau một giờ đồng hồ đã đến được chỗ Gagarin. S. Karalov mạo hiểm nhưng ông đã chiến thắng. Cả thế giới đều biết: người đầu tiên của trái đất bước vào vũ trụ là người Nga - Yuri Gagarin.
Theo: vietbao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét